Nguyên nhân gây sâu răng là gì?

Nguyên nhân gây sâu răng là gì?

Ngày đăng: 08/10/2024 06:03 PM

    1. SÂU RĂNG LÀ GÌ?
     

    Sâu răng là sự tổn thương trên bề mặt răng hoặc men răng (giai đoạn khởi phát).

    Những giai đoạn đầu của sâu răng thường khó phát hiện nếu bạn không đến thăm khám nha khoa thường xuyên. Hoặc bạn chỉ có thể nhận biết khi bắt đầu xuất hiện cơn đau nhức răng.

    Bệnh sâu răng thường không quá nguy hiểm. Nhưng nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể dẫn tới nhiễm trùng hoặc thậm chí là mất răng.

     

    2. NGUYÊN NHÂN GÂY SÂU RĂNG LÀ GÌ?
     

    Trên thực tế, luôn có vi khuẩn tồn tại trong khoang miệng của chúng ta. Một số vi khuẩn có ích, một số có hại. Những vi khuẩn này sau khi kết hợp với các mảnh vụn thức ăn còn sót lại sau bữa ăn (những thức ăn có nhiều đường) sẽ tạo thành một lớp màng sinh học mềm và dính được gọi là mảng bám.
     

    Mảng bám sẽ dính chặt vào răng của bạn nếu không được làm sạch (chải răng), và axit trong mảng bám có thể từ từ làm xói mòn men răng. Khi men răng của bạn suy yếu, nguy cơ bị sâu răng sẽ tăng lên. Đó là lí do vì sau bạn rất dễ bị sâu răng nếu như không vệ sinh răng miệng thường xuyên. Bên cạnh việc làm hỏng răng, mảng bám có thể cứng lại thành cao răng theo thời gian. Điều này có thể gây kích ứng nướu và gây ra các bệnh về nướu như: viêm nướu, tụt lợi,…
     

    2.1. Ăn Thực Phẩm Có Nhiều Đường Là Nguyên Nhân Gây Sâu Răng – Đúng Hay Sai?
     

    Thói quen ăn uống lạm dụng đồ ngọt đúng là một trong những nguyên nhân gây sâu răng. Tuy nhiên, nếu bạn vệ sinh răng miệng đúng cách thì vẫn có thể hạn chế được tình trạng này.
     

    Trong kem đánh răng thường có chứa fluor. Chất này giúp men răng chống lại vi khuẩn gây sâu răng, giúp tái khoáng men răng. Đó là lý do vì sao nhiều người quyết định điều trị fluor tại phòng nha để phòng ngừa sâu răng hiệu quả.

     

    Chung quy lại nguyên nhân gây sâu răng là do 2 yếu tố:

     

    · Thói quen ăn uống lạm dụng đồ ngọt
     

    · Không vệ sinh răng miệng thường xuyên
     

    2.2. Các Yếu Tố Nguy Cơ Dẫn Tới Sâu Răng
     

    · Người lớn tuổi (giảm tiết nước bọt, tụt nướu, vệ sinh răng miệng kém hiệu quả,… là những điều thường xảy ra ở người lớn tuổi. Điều này làm tăng nguy cơ bị sâu răng)
     

    · Không bổ sung đủ lượng fluor
     

    · Thói quen chải răng quá mạnh
     

    · Bị khô miệng
     

    · Rối loạn ăn uống, chẳng hạn như biếng ăn và chứng cuồng ăn
     

    · Bệnh trào ngược axit, axit có thể trào ngược từ dạ dày lên miệng và làm mòn men răng của bạn
     

    · Trẻ sơ sinh thường xuyên được cha mẹ cho bú bình trước khi ngủ: lượng đường có trong sữa sẽ lưu lại trên răng hàng giờ khi trẻ ngủ, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây sâu răng.

     

    3. DẤU HIỆU NHẬN BIẾT
     

    Một đốm trắng có thể xuất hiện trên răng – nơi các khoáng chất đã bị mất. Đây là dấu hiệu ban đầu của sâu răng. Giai đoạn này nếu phát hiện kịp thời, bạn có thể ngăn ngừa sâu răng tiến triển thêm bằng cách chăm sóc răng miệng tốt hơn. Và hạn chế ăn hoặc uống những thực phẩm có nhiều đường và tinh bột.
     

    Tuy nhiên, một điều đáng buồn là dấu hiệu này thường khó để nhận biết. Đặc biệt nếu như sâu răng ngay các răng cối nằm sâu trong hàm. Điều này cho thấy vì sao thăm khám nha khoa định kỳ là điều vô cùng cần thiết. Vì nha sĩ hoàn toàn có thể phát hiện sâu răng giai đoạn đầu và điều trị kịp thời.
     

    Khi sâu răng tiến triển thêm, bạn sẽ dễ dàng nhận biết với các dấu hiệu sau:

    · Một lỗ hình thành trên răng của bạn
     

    · Răng xuất hiện các đốm đen
     

    · Đau nhức răng
     

    · Chảy máu khi đánh răng
     

    · Ê buốt răng khi nhai hoặc khi ăn, uống thực phẩm nóng hoặc lạnh
     

    · Sưng mặt và sốt: thường do nhiễm trùng, dẫn đến tình trạng áp xe răng (xuất hiện túi mủ dưới vùng chân răng).

     

    4. ĐIỀU TRỊ SÂU RĂNG NHƯ THẾ NÀO?
     

    Bước đầu tiên để điều trị sâu răng là bạn cần đến nha khoa để thăm khám. Nha sĩ sẽ xem xét và đánh giá tình trạng sâu răng của bạn. Sau đó sẽ đề xuất các phương pháp điều trị phù hợp. Trám răng là thủ thuật được sử dụng nhiều nhất để điều trị sâu răng, giúp phục hồi lại hình dáng, kích thước và chức năng của răng. Tuy nhiên, một số trường hợp sâu răng tiến triển nặng hơn, thì nha sĩ có thể sẽ đề xuất các thủ thuật khác phù hợp hơn, chẳng hạn như: · Mão răng · Điều trị tủy răng (sau khi lấy tủy răng, nha sĩ sẽ phục hồi lại bằng phương pháp trám hoặc mão răng) · Nhổ răng (nha sĩ có thể trồng lại răng bằng phương pháp cầu răng sứ, trồng răng implant,…)
     

    Điều Trị Sâu Răng Giai Đoạn Khởi Phát
     

    Nếu răng bạn chưa xuất hiện lỗ sâu nào. Nghĩa là sâu răng đang trong giai đoạn khởi phát, nha sĩ có thể giúp phục hồi lại men răng và ngăn ngừa sâu răng tiến triển thêm. Bằng phương pháp điều trị florua.

     

    5. CÁCH PHÒNG NGỪA
     

    Bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa sâu răng bằng một số cách sau:
     

    · Dùng chỉ nha khoa mỗi ngày
     

    · Cạo lưỡi sau mỗi lần chải răng
     

    · Sử dụng nước súc miệng có chứa fluor
     

    · Chải răng đúng cách: chải nhẹ nhàng, mỗi lần chải 2 – 3 phút
     

    · Hạn chế ăn thức ăn có nhiều đường và có tính axit
     

    · Uống đủ hoặc nhiều hơn 2 lít nước mỗi ngày
     

    · Cạo vôi răng định kỳ ít nhất 6 tháng/lần
     

    · Không nên chải răng ngay sau khi ăn, tốt nhất nên đợi khoảng 30 phút (bạn có thể sử dụng nước súc miệng ngay sau khi ăn hoặc uống thực phẩm có nhiều đường thay vì chải răng)